top of page

Điều gì đẹp hơn chính nó? Rất có thể là một bức tranh về nó! Nhưng đừng tưởng tượng trước - có thể chúng rất khác biệt. Cuối tuần này tụi nhóc sẽ vẽ vườn nho. Chúng mình hiểu là việc vẽ chùm nho của tụi nhóc thậm chí được mình thiết kế từ hoạt động nặn đất rồi sắp xếp. Nhưng chúng mình cũng không thể không khoe tụi nhóc mấy bức tranh tuyệt vời về những cành nho. Các vị Châu Âu, Pháp Ý ấy, hầu hết thời gian chỉ nhìn chùm nho trong mối tương quan với ly rượu thôi. Nên đại đa số chủ đề chùm nho trong hội hoạ phương Tây chỉ xuất hiện trong tranh tĩnh vật. Dưới đây là một tác phẩm có giá trị hiếm hoi, vẽ một trung cảnh những nhánh nho leo (và các loại quả khác).


Tác giả là Bartolomeo Cavarozzi - một hoạ sỹ người Ý sống vào khoảng thế kỷ 17. Bức tranh này có lẽ không có động lực nào mạnh mẽ hơn việc hoạ sỹ thực sự muốn chuyển tải cái cảm nhận sống động về một cảnh những chùm nho mọng lấp loáng trong bóng lá, trong sáng tối. Hiện thực, việc ở ngay đây, ngay lúc này, chính là điều mà hội hoạ phương Tây bao đời nay muốn đạt được. Nhưng hãy nhìn sang những nhành nho leo của phương Đông. Dưới đây là những tác phẩm đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản, Khoảng thế kỷ 16 đến 19.

Bạn sẽ phải thất vọng nếu cố gắng tìm những nhánh nho leo đẹp như vậy trong thực tế. Vì không có đâu. Không thể có. Sự điệu đà của nhịp điệu, cái nét cong lên của lá, dây leo, … là kết quả của sự chắt lọc khắt khe về đường nét tạo hình.






Trong những tác phẩm cổ điển của phương Đông như thế này, thời gian biến mất, hoặc ngừng lại. Con người khi đứng trước nó cũng có cảm giác thời gian đọng lại trong khổ giấy. Chỉ có hình ảnh, và rõ ràng là một hình ảnh đã đươc tạo ra. Nhưng hình ảnh ấy - không hiểu bằng cách nào - cũng rõ ràng là có mang lại cảm giác về thời gian. Như là thực sự ở một khoảng thời gian nào đó, những nét cọ và mực đã dần hiện lên và thành hình: từ một con người thực sự đã dành rất nhiều thời gian quan sát và lưu lại trong trí nhớ cũng như trái tim của anh ta ấn tượng về bao nhiêu những nhành nho leo thật.


Hai thế giới, hai cách nhìn. Để thấy có hơn một cách để trở nên đẹp. Có hơn một cách để nhìn, và yêu mọi thứ.

Hanoi, Hoàng Thành, 9/9/2020.

Takihana.


 

Nghệ thuật của "Đôi mắt", hay chính là Nghệ thuật tạo hình, nhỏ hơn thì là Mỹ thuật, là cánh cửa mở ra một cách tiếp cận thế giới khác, thú vị hơn, đa dạng hơn, giàu ý nghĩa hơn. Có thể nói một cách ngắn gọn, với tuyệt đại đa số nhu cầu của chúng ta, tìm đến Nghệ thuật là tìm đến Cái Đẹp. Bài viết này đang bàn về con đường đi tìm kiếm/ hiểu Cái Đẹp của giới không chuyên mỹ thuật, hoặc những người hoạt động trong lĩnh vực này nhưng vẫn chưa chắc chắn về con đường mình đi.





Nhiều người trong chúng ta hoặc hoàn toàn cảm thấy bản thân xa lạ với thế giới Nghệ thuật và bỏ cuộc ngay từ đầu, hoặc nóng lòng muốn hiểu vì sao bức này được cho là đẹp, bức kia đáng giá triệu dollar - và quyết định thử đi học vẽ hay tham gia những khoá cảm thụ nghệ thuật. Takihana tiếp xúc với nhiều bạn ở nhóm thứ 2. Nhưng đây cũng là những tâm hồn bồn chồn, băn khoăn nhất.


Thường thì những tâm hồn đang hướng đến cái đẹp gặp khá nhiều chông gai, mà chông gai nhất không nằm ở trong mình, mà lại từ bên ngoài: "Chúng mình không hiểu hoặc hoang mang khi được hướng dẫn". "Thật tâm mình chưa thấy nó đẹp nhưng giảng viên đảm bảo nó đẹp". Hoạ sỹ này bảo đẹp nhưng hoạ sỹ kia lại chê"... Ở Việt Nam mình thì nhiều luồng tư tưởng bâng quơ vu vơ, những người đi tìm câu hỏi về Cái đẹp nhiều khi không biết nên vin vào đâu cho chắc.



Sáng mùa thu @ Takihana

Nhưng gượm đã. Liệu học về cái đẹp có nhất thiết là phải vẽ được đẹp? Và thâm chí hai mục đích này còn có phần trái ngược nhau về hướng tiếp cận. Điều này nghe qua thì vô lý. Nhưng sự thật hiển nhiên là đây: nếu bạn muốn vẽ được một bức tranh đẹp, hãy học bí kíp sao chép ảnh thành tranh, sao chép những tác phẩm nổi tiếng được đảm bảo là đẹp. Mãi rồi bạn cũng sẽ tự vẽ ra cho mình một bức tranh đẹp. Chỉ có điều, nó không có cái tôi của bạn, không có một cái gu riêng, và bởi vậy nó khuyết đi một phần nào đó - không rõ ràng nhưng lại rất lớn - của Nghệ thuật.


Vì hầu hết các tác phẩm nghệ thuật xuất hiện sau thế kỷ 19 là những kết quả của sự mất cân đối, của sự bá bỏ quy tắc, việc hiểu về cái đẹp theo quy tắc vốn được dạy và học ở các trường theo hướng hàn lâm kinh viện, đã không còn có thể đáp ứng được nhu cầu phán xét tác phẩm đương đại nữa. Có thể nói đây là một bước ngoặt mà từ đó Nghệ Thuật đã bứt bỏ xiếng xích, trở nên cá biệt hay lạ lẫm, kỳ quặc hay gàn dở ... Bạn có thể dùng bất kỳ từ nào để diễn tả về dòng chảy nghệ thuật đương đại, nhưng chắc chắn không phải là từ "yếu đuối". Nghệ thuật từ khi rời bỏ môi trường Hàn Lâm, đã trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Vì sao ư? Vì nó không còn bị cái đẹp chung, cái đẹp theo quy tắc chi phối nữa. Các tác phẩm nghệ thuật mang giá trị cao về sau này, là những tác phẩm mang đậm phong cách cá nhân nhất, nghĩa là bộc lộ quan niệm thẩm mỹ riêng của tác giả, và mang trong nó câu chuyện riêng của chính nó - một câu chuyện không lẫn vào đâu được và bởi vậy xứng đáng để được xem xét, quan sát, ngắm nhìn và băn khoăn.



Tranh của hoạ sỹ Tây Ban Nha Joaquín Sorolla y Bastida


Và đó là khi việc nghiên cứu/ tìm hiểu về Nghệ thuật không chỉ còn là nghiên cứu về cái hình thức bề nổi như lý thuyết Gestalt, mà còn là nghiên cứu và tìm hiểu về tâm thức con người. Đó là nghi tâm lý học nghệ thuật ra đời. Đó là khi người ta sốt sắng đi tìm hiểu về chính bản thân con người, cách chúng ta tư duy và sử dụng hình ảnh, chứ không chỉ còn về cách hình ảnh tác động đến chúng ta như thế nào. Tổng quan, thay vì tìm hiểu về cái đẹp nói chung, ta đi tìm hiểu về chính mình và cách mình tương tác với hình ảnh.


Và đó là khởi điểm cho Takihana đặt nền móng cho học viên của mình.


Là một người làm giáo dục mỹ thuật, với kinh nghiệm 5 năm tiếp xúc và chứng kiến những biến đổi trong nhận thức của cả người lớn và trẻ em trong lĩnh vực mỹ thuật, tôi đã thấy những hứng khởi, những bỏ cuộc. Tôi đã thấy những động lực cho các bạn háo hức tiếp tục sáng tạo, và tin không, tôi đã thấy những giọt nước mắt vì cảm thấy bất lực. Hãy chấm dứt sai lầm này. Đừng học cách vẽ một bức tranh đẹp nữa. Hãy học cách biểu đạt của chính mình. Khi vui mình sẽ gợi một nét thế nào. Khi buồn mình sẽ gọi lên màu sắc gì. Muốn nói về sự nhộn nhịp mình sắp xếp hình thế nào. Muốn gợi lại một cảnh trí tính lặng mình sẽ đặt màu ra làm sao. Khi nóng mình dùng sắc nào. Khi lạnh mình chọn sắc nào. Khi tức giận mình sẽ đi những nét cọ ra làm sao ...



Chúng mình lần đầu tiên cầm cọ

Và bạn thấy đấy, nó chưa liên quan gì đến "cái đẹp" hàn lâm cả. Cái đẹp ở đây là một cái gì đó rất khác. Nó không chỉ còn là một hình đẹp, một nét đẹp. Nó không tách biệt như thế. Hiểu chính xác, cái đẹp trong tranh từ sau Ấn tượng, là một sự kết hợp hài hoà giữa cảm xúc của người vẽ, và hình ảnh người đó sử dụng để biểu đạt.


Sự kết hợp mà ta hiểu như một cách khởi sinh của Cái đẹp đó, trong giới chuyên về hoạt động nghệ thuật, giới nghệ sỹ và phê bình còn gọi nôm na là : "thật". Tranh này nhìn thật hay giả là ở chỗ ấy. Chỉ khi bạn học được cách biểu đạt đường nét, màu sắc ... trong mối liên hệ trực tiếp với cảm xúc cảm nhận của mình, bạn mới thực sự "cảm" được nghệ thuật tạo hình.


Trên hết, chúng ta học cái đẹp để yêu bản thân và cuộc sống hơn, và nếu như có những cái đẹp ta không hiểu nổi, ta cứ từ từ. Vì sao bức Monalisa lại nổi tiếng thế? Vì sao Van Gogh cả đời không bán nổi một bức tranh nào cho đến khi ông chết đi? ... Ồ nhiều quá, cứ từ từ nào. Đó chỉ là một trong biết bao câu hỏi như vì sao trên bầu trời.


Nhà hiền triết nọ - ngài Reainhold Niebuhr đáng kính - đã nói: "Nếu bạn muốn lên bầu trời, hãy thử nhắm đến các vì sao."


"Aim for the star, and maybe you'll reach the sky". _Reainhold Niebuhr.

Tôi rất thích câu này. Nó thể hiện tư tưởng rõ ràng nhất về giáo dục nghệ thuật một cách thực tế và không bó buộc.


Đôi khi, kết quả của nhiều năm học nghệ thuật chỉ hiện lên ở những khoảnh khắc nhỏ trong cuộc sống, khi ta nhận ra Giá trị Nghệ thuật khác với sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Vì gu thẩm mỹ thuộc về ý thức hệ - sản phẩm của một quá trình tiếp xúc với tri thức.

Và khi bắt tay vào vẽ, thay vì nghĩ xem ta sẽ vẽ thế nào cho được một bức tranh đẹp, bạn hãy bắt đầu nghĩ ta cảm thấy gì về điều này, ồ cái gốc cây sần sùi quá, ta sẽ diễn tả cái sần sùi này bằng những chấm gằn của nét cọ hay là vẩy màu lốp đốp nhỉ? Mặt biển êm dịu và trong vắt này, có lẽ một nét cọ mềm và liên tục sẽ diễn tả được vẻ êm ả của nó.


Và những giờ sáng tạo đã "đánh cắp" bạn vào thế giới nghệ thuật, rời xa khỏi bộn bề và lo toan cuộc sống như thế đó!



Một mùa xuân tại xưởng

Blog: Blog
bottom of page