top of page

4 Phong cách vẽ tranh tường La Mã cổ đại

Tại sao Pompeii nói chung và những bức tranh tường nói riêng có thể giữ gần như là nguyên hiện trạng sau thảm hoạ núi lửa phun trào?


Những bức tranh từ thời cổ đại hiếm khi vượt qua được bài thử thách của thời gian, đơn giản là bởi tranh vẽ bằng sơn/màu vẽ thì lúc nào cũng kém bền hơn là tranh được khắc lên chất liệu đá hay đồng. Tuy vậy, chính nhờ có thành phố La Mã cổ đại - Pompeii mà chúng ta có thể lần theo dấu vết lịch sử của nghệ thuật vẽ tranh tường La Mã.

Khi miệng núi lửa tại đỉnh Vesuvius phun trào năm 79 CN, nó đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người và khiến cho người dân không thể sinh sống trong khu vực này trong hàng thế kỷ. Tuy nhiên, thảm hoạ cũng để lại một lớp tro dày đặc như một tấm chăn phủ kín thành phố, khiến cho Pompeii như hoàn toàn bốc hơi sau sự kiện thảm khốc ấy. Lớp tro vô tình đã giúp Pompeii giữ được gần như nguyên hiện trạng của nó - không giống như số phận của rất nhiều thành phố La Mã khác. Lớp tro bụi này khi lan tới thành phố Herculaneum cạnh Pompeii, nó đã carbon hoá và bảo quản toàn bộ phần mái gỗ, giường, cửa, và thậm chí là cả những chất liệu hữu cơ như thực phẩm.


Nhờ có lớp tro này bao phủ mà những màu sắc rực rỡ trong tranh đã được lưu giữ lại trên tường trong các ngôi nhà và di tích hàng nghìn năm trước khi chúng được khai quật. Những bức tranh này là hiện thân cho một chuỗi bằng chứng không bị gián đoạn của 2 thể kỷ. Và cũng nhờ có công lao to lớn của August Mau, một học giả người Đức thế kỷ 19, mà chúng ta đã có bảng phân loại 4 phong cách vẽ tranh tường ở Pompeii.


Hình ảnh đỉnh Vesuvius ở Pompeii


4 phong cách vẽ tranh tường mà Mau quan sát được thì không phải là phong cách điển hình ở thành phố này và có thể được tìm thấy ở bất kì đâu, ví dụ như ở Rome hay thậm chí là ở vùng ngoại ô. Tuy nhiên, ở Pompeii và những thành phố xung quanh bị Vesuvius chôn vùi thì người ta tìm thấy nguồn bằng chứng lớn và liên tục nhất cho thời kì này. Những bức tranh tường La Mã ở Pompeii mà Mau đã phân loại là những bức bích hoạ thực sự (true frescoes hoặc buon fresco), loại tranh sử dụng kĩ thuật pha màu với nước rồi tô lên mặt vữa khi còn ướt, cố định chất màu đó lên tường. Mặc dù kỹ thuật vẽ màu này khá bền nhưng bức tranh vẫn có thể bị phai nhạt đi đáng kể một khi bị tiếp xúc với ánh sáng và không khí bên ngoài. Chính vì lí do này mà những bức tranh được phát hiện ở Pompeii quả thực đạt được chất lượng cao hiếm có.


Ví dụ về bức tranh theo phong cách thứ nhất, Ngôi nhà của Sallust (House of Sallust), Pompeii, được xây dựng vào thế kỷ thứ 2 TCN.



Trong những bức tranh còn sót lại ở Pompeii, Mau nhận thấy có bốn phong cách riêng biệt. Hai phong cách đầu tiên thì phổ biến trong thời kỳ Cộng hòa (kết thúc vào năm 27 trước Công nguyên) và phát triển theo xu hướng nghệ thuật Hy Lạp (lúc này La Mã vừa mới thu phục Hy Lạp). Hai phong cách sau đã trở thành mốt trong thời kỳ Hoàng gia. Kể từ đó, những mô tả theo trình tự thời gian của ông về sự phát triển phong cách đã bị các học giả khác thách thức, nhưng nhìn chung thì họ xác nhận tính logic trong cách tiếp cận của Mau, với một số cải tiến và bổ sung lý thuyết khác. Ngoài việc truy dấu cách các phong cách phát triển qua thời gian, các phân loại của Mau tập trung vào cách nghệ sĩ phân chia bức tường và sử dụng sơn, màu sắc, hình ảnh và hình thái — để tôn lên hoặc hạn chế — bề mặt phẳng của bức tường.

Ví dụ về bức tranh theo phong cách đầu tiên, Ngôi nhà của Faun (House of Faun), Pompeii, được xây dựng vào thế kỷ thứ 2 TCN.


Phong cách tranh tường Pompeii đầu tiên


Mau gọi Phong cách đầu tiên là "Phong cách khảm" và tin rằng nguồn gốc của nó nằm trong thời kỳ Hy Lạp hóa (Hellenistic period) — vào thế kỷ thứ 3 TCN ở Alexandria. Phong cách Thứ nhất đặc trưng bởi những bức tường được đắp vá đầy màu sắc bằng đá giả cẩm thạch. Mỗi viên đá “cẩm thạch" chữ nhật được gắn kết bằng các đường gờ vữa nổi, tạo nên hiệu ứng ba chiều. Trong các ngôi đền và các tòa nhà quan trọng, người La Mã đã sử dụng những viên đá cẩm thạch nhập khẩu đắt tiền với nhiều màu sắc khác nhau để trang trí các bức tường.


Chi tiết giả đá cẩm thạch, Villa of the Mysteries, trước năm 79 CN, bức bích họa, ngay bên ngoài các bức tường của Pompeii trên Đường tới Herculaneum


Những người dân thường La Mã sẽ không đủ khả năng chi trả cho loại tranh theo phong cách này, nên họ đã trang trí nhà cửa bằng sơn vẽ bắt chước các miếng cẩm thạch màu vàng, tím và hồng đầy xa xỉ ấy. Các họa sĩ thời bấy giờ trở nên điêu luyện trong việc bắt chước một số hoạ tiết đá đến mức các phiến đá lớn, hình chữ nhật được vẽ tạo hình cẩm thạch trên tường thì trông giống ý như những phiến đá thật. Những ví dụ tuyệt vời về Phong cách tranh tường thứ nhất ở Pompeii có thể được tìm thấy trong Ngôi nhà của gia tộc Faun và Ngôi nhà của Sallust (House of the Faun and House of Sallust), cả hai đều có thể được tham quan ở Pompeii.


Phong cách tranh tường Pompeii thứ hai


Phong cách thứ hai, mà Mau gọi là "Phong cách Kiến trúc", lần đầu tiên được nhìn thấy ở Pompeii vào khoảng năm 80 TCN (mặc dù trước đó nó đã phát triển ở Rome) và thịnh hành cho đến cuối thế kỷ thứ nhất TCN. Phong cách thứ hai này thì được phát triển dưa trên Phong cách thứ nhất và kết hợp các yếu tố của Phong cách thứ nhất, chẳng hạn như việc sử dụng các khối đá cẩm thạch giả dọc theo chân tường.


Ví dụ về bức tranh mang Phong cách thứ hai, Cubiculum (phòng ngủ) từ Biệt thự của P. Fannius Synistor ở Boscoreale, 50–40 TCN, bức bích họa 265,4 x 334 x 583,9 cm


Trong khi Phong cách thứ nhất làm tôn lên độ phẳng của bức tường, thì Phong cách thứ hai cố gắng đánh lừa người xem rằng họ đang nhìn qua cửa sổ bằng cách vẽ những hình ảnh ảo giác lên các mảng tường. Như cái tên mà Mau đặt cho Phong cách thứ hai, những yếu tố mang tính kiến trúc là linh hồn của những bức tranh này, tạo nên những hình ảnh tuyệt diệu với hình cột trụ, các toà nhà, và nhà thờ.


Ví dụ về bức tranh mang Phong cách thứ hai, hình khối (phòng ngủ), Biệt thự của P. Fannius Synistor tại Boscoreale, 50–40 TCN, bích họa

Trong một ví dụ nổi tiếng của Phong cách thứ hai, phòng ngủ của P. Fannius Synistor (hiện được phục dựng trong Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan), người nghệ sĩ sử dụng nhiều điểm "biến mất". Kỹ thuật này thay đổi góc nhìn trong toàn bộ căn phòng, từ ban công đến đài phun nước và dọc theo hàng cột ra xa, nhưng mắt của người xem bị cuốn đi liên tục khắp phòng, hầu như không thể nhận ra rằng họ vẫn đang ở trong khuôn viên của một căn phòng nhỏ.


Ví dụ về bức tranh mang Phong cách thứ hai, Bức phù điêu Dionysiac, Villa of the Mysteries, trước năm 79 CN, bức bích họa, 15 x 22 feet, ngay bên ngoài các bức tường của Pompeii trên Đường tới Herculaneum


Các bức tranh Dionysian trong Villa of the Mysteries ở Pompeii cũng được đưa vào Phong cách thứ hai dựa vào khía cạnh man tính ảo tưởng của chúng. Các hình vẽ là ví dụ của megalographia, một thuật ngữ tiếng Hy Lạp dùng để chỉ những bức tranh có kích thước như người thật. Việc những nhận vật trong tranh có cùng kích thước với người xem trong phòng, cũng như cách các nhân vật này được vẽ ngồi trước các cột phân chia không gian trong phòng, nhằm gợi ý rằng những hành động trong tranh đang diễn ra đang xung quanh người xem.


Phong cách tranh tường Pompeii thứ ba


Phong cách thứ ba, hay còn có tên "Phong cách trang trí công phu" do Mau đặt ra, xuất hiện vào đầu thế kỷ thứ nhất sau CN và phổ biến cho đến khoảng năm 50 sau CN. Phong cách thứ ba này tôn lên bề mặt phẳng của tường thông qua việc sử dụng các mặt phẳng màu đơn sắc, rộng, chẳng hạn như màu đen. hoặc màu đỏ sẫm, nhấn mạnh vào những chi tiết phức tạp, tinh xảo.


Ví dụ về tranh mang Phong cách thứ ba, bảng với đèn nến, Villa Agrippa Postumus, Boscotrecase, thập kỷ cuối cùng của thế kỷ thứ nhất TCN


Phong cách thứ ba vẫn mang tính kiến trúc nhưng thay vì triển khai các yếu tố kiến trúc chân thực mà người xem sẽ thường thấy trong thế giới hàng ngày của họ thì Phong cách thứ ba đã kết hợp các cột và bệ cách điệu tuyệt đẹp mà chỉ có thể tồn tại trong không gian được tưởng tượng trên một bức tường sơn. Kiến trúc sư La Mã Vitruvius chắc chắn không phải là người yêu thích Phong cách Thứ ba, và ông chỉ trích những bức tranh này đại diện cho những thứ quái dị hơn là những thứ có thật, “ví dụ, lau sậy được đặt ở vị trí đáng ra sẽ là các cột kèo; các phần phụ uốn lượn với những chiếc lá và dây xoăn thay vì là chân tảng (phần trên cùng của mỗi chiếc cột giáp với trần); chân đèn nến thì tượng trưng cho các đền thờ; trên đỉnh của các chân tảng có rất nhiều thân cây và dây mềm mọc lên và có hình người ngồi trên đó một cách vô tri… ”(Vitr.De arch.VII.5.3) Trung tâm của các bức tường thường có các họa tiết rất nhỏ, chẳng hạn như phong cảnh thôn dã, là những cảnh đồng quê với hình ảnh gia súc, người chăn cừu, đền thờ, và những ngọn đồi nhấp nhô.


Ví dụ về bức tranh theo phong cách thứ ba, bảng với đèn nến (chi tiết có họa tiết Ai Cập), Villa Agrippa Postumus, Boscotrecase, thập kỷ cuối cùng của thế kỷ thứ nhất TCN.


Phong cách thứ ba cũng là thời kì ra đời của các chủ đề và hình ảnh Ai Cập, bao gồm các cảnh sông Nile cũng như các vị thần và chi tiết Ai Cập.


Phong cách tranh tường Pompeii thứ tư


Phong cách thứ tư, cái mà Mau gọi là "Phong cách phức tạp", trở nên phổ biến vào giữa thế kỷ đầu tiên Công nguyên và được nhìn thấy ở Pompeii cho đến khi thành phố bị tàn phá vào năm 79 Công nguyên. Phong cách này có thể được mô tả đúng nhất là sự kết hợp của ba phong cách trước đó. Các khối đá giả cẩm thạch dọc theo chân tường, như trong Phong cách thứ nhất, khung cảnh kiến trúc mang tính tự nhiên từ Phong cách thứ hai, lần lượt kết hợp với các mặt phẳng lớn màu sắc và các chi tiết kiến trúc thanh mảnh từ Phong cách thứ ba. Phong cách thứ tư cũng kết hợp các hình ảnh theo khối ở trung tâm, mặc dù ở quy mô lớn hơn nhiều so với phong cách thứ ba và với phạm vi chủ đề rộng lớn hơn, kết hợp các hình ảnh thần thoại, thể loại, phong cảnh và tĩnh vật. Khi mô tả cái mà ngày nay chúng ta gọi là Phong cách thứ tư, Pliny the Elder nói rằng nó được phát triển bởi một họa sĩ khá lập dị, mặc dù rất tài năng, tên là Famulus, người đã trang trí Cung điện Vàng nổi tiếng của Nero. (Pl.NH XXXV.120) Một số ví dụ điển hình nhất cho những bức tranh Phong cách Thứ tư đến từ Ngôi nhà của gia tộc Vettii (House of the Vettii) mà ngày nay bạn cũng có thể đến thăm ở Pompeii.


Ví dụ về bức tranh theo phong cách thứ tư, Phòng Ixion, Ngôi nhà của gia tộc Vetii (Ixion Room, House of the Vettii) , Pompeii, thế kỷ 1 CN.



Tranh tường hậu thời kỳ Pompeian: Điều gì xảy ra tiếp theo?


August Mau đưa chúng ta đến tận Pompeii và những bức tranh được tìm thấy ở đó, nhưng còn những bức tranh La Mã sau năm 79 CN thì sao? Người La Mã vẫn tiếp tục vẽ trang trí nhà và các công trình kiến trúc hoành tráng, nhưng không có Phong cách thứ Năm hoặc thứ Sáu, và hội họa La Mã sau này được gọi là sự bắt chước của những gì đã có trước đó, chỉ đơn giản là kết hợp các yếu tố của các phong cách có sẵn. Hầm mộ của Cơ đốc giáo đã cung cấp một hồ sơ tuyệt vời về hội họa vào thời Hậu cổ đại, kết hợp các kỹ thuật La Mã và chủ đề Cơ đốc giáo theo những cách vô cùng độc đáo.


Văn bản được viết bởi Tiến sĩ Jessica Ambler.


Le Phan dịch.


Dưới đây là những hình ảnh mà admin của Takihana - Le Phan đã chụp trong chuyến đi thăm thành cổ Pompeii của mình. Mời các bạn tham khảo!







Những con đường ở Pompeii đều được xây dựng lõm xuống thấp hơn nhà, mục đích để trữ nước, tạo nên những con kênh nhân tạo dẫn nước đi khắp thành phố.

Ở giữa những con kênh sẽ có những cây cầu mini như thế này.




Một bức tranh tường mà mình nghĩ là thuộc Phong cách thứ 4 sau khi đọc bài trên!


Mình ấn tượng với màu sắc vô cùng rực rỡ và những chi tiết bé xíu tinh xảo!



Dịch và hình ảnh bởi Le Phan,

from Takihana with love.

Comments


bottom of page