Chúng ta đang giữ lấy điều gì?
CHÚNG TA ĐANG GIỮ LẤY ĐIỀU GÌ?
Hôm nay nhân việc quan sát thị trường giáo dục mỹ thuật không chuyên ở Hà Nội, tôi liên tưởng đến ngay một câu nói : “Chúng ta đang giữ lấy điều gì?”. Và nó cũng liên quan đến một câu hỏi mà các bạn khi mới bỡ ngỡ vào dạy ở Taki hay có một câu hỏi: “Mọi người nói rằng đi dạy vẽ cho trẻ em sẽ bị hỏng tay (vẽ), có phải vậy không ạ?” Để tôi kể các bạn nghe chuyện này, hơi sâu xa nhưng có câu nói liên quan trực tiếp đến thị trường giáo dục mỹ thuật nói riêng và thị trường nghệ thuật nói chung ở Hà Nội nhỏ của chúng ta. Và các bạn cũng có thể tìm thấy mối liên hệ giữa câu nói ấy với rất nhiều lĩnh vực khác nữa trong cuộc sống.
Vào nửa đầu của thế ký 20, có một chuỗi tiểu thuyết được phát hành và nổi tiếng khắp thế giới tên là: Chúa Tể của những Chiếc Nhẫn (The Lord of the Rings). Tôi đọc say mê những tập truyện chữ ấy những năm tuổi teen, nhưng chưa thực sự hiểu tất cả những ý nghĩa nhân văn của câu chuyện dài ấy. Sau này khi đã có một vốn sống nhất định, nhìn lại tôi mới thấy những lớp nghĩa sâu sắc hơn trong những trang truyện ấy. Câu chuyện là một bản trường ca về lòng tham của con người, với biểu tượng là chiếc nhẫn. Chiếc nhẫn có một phép lạ: người nào có được nó sẽ sống mãi không chết, trẻ mãi không già, và được tăng thêm nhiều sức mạnh hơn so với vỗn dĩ họ có. Tất cả mọi người đều muốn có nó, và bởi vậy nó được săn lùng khắp nơi, từ người bình dân nhất đến kẻ có quyền lực nhất. Và bởi vậy có những cái giá khá đắt phải trả, bao gồm cả lương tâm, đạo đức, v.v… để giành và giữ được chiếc nhẫn. Có những người như Bilbo - người họ hàng tuyệt vời của nhân vật chính (Frodo) đã yên bình giữ nó, và bằng một năng lực kỳ diệu nào đó đã không trở nên xấu xa khi cất giữ nó, dù rằng ông vẫn phải chống chọi với lòng tham khi đã quyết định từ bỏ nó để chấp nhận cái chết sắp đến một cách bình thường. Có những người như Gollum vì đã lưu giữ chiếc nhẫn quá lâu không còn bận tâm gì đến thế giới xung quanh, không còn nom giống con người nữa và trở thành một sinh vật đơn độc, quên hết tất cả lịch sử về bản thân, chỉ suốt ngày tha thẩn lang thang đi tìm lại chiếc nhẫn. Và có người như Frodo còn quá trẻ đã được nhận trọng trách từ người bà con Bilbo để mang chiếc nhẫn đi đến một nơi có ngọn lửa thiêng duy nhất đủ sức mạnh để phá hủy chiếc nhẫn đó, bởi nó đã mang lại quá nhiều rắc rối cho tất cả, bao gồm cả dân làng của Frodo. Cốt lõi của cả câu chuyện dài ly kỳ ấy có thể được gói gọn trong một đoạn hội thoại giữa Sam (người hầu cận tháp tùng Frodo) và Frodo (người bỗng "được chọn' để mang trọng trách trao trả chiếc nhẫn về với nơi nó nên thuộc về).
Tạm dịch: "FRODO: Tôi không thể làm điều này, Sam. SAM: Tôi biết. Tất cả đều sai. Thậm chí đúng ra chúng ta không nên ở đây. Nhưng chúng ta đang ở đây rồi. Nó giống như trong những câu chuyện vĩ đại, ngài Frodo, những chuyện thực sự đáng để nhớ ấy. Nó đầy bóng tối và nguy hiểm. Và đôi khi bạn không muốn biết kết thúc. Bởi vì làm sao để có thể có một kết thúc hạnh phúc đây? Làm sao để thế giới có thể quay trở lại như cũ khi có quá nhiều điều tồi tệ đã xảy ra?
Nhưng cuối cùng, nó sẽ chỉ là một thứ qua, cái bóng tối này. Ngay cả bóng tối cũng phải qua đi. Một ngày mới sẽ đến. Và khi mặt trời tỏa sáng, nó sẽ sáng rõ ràng hơn. Đó là những câu chuyện ở lại với ngài. Điều đó có một ý nghĩa nào đó. Ngay cả khi ta quá nhỏ bé để hiểu tại sao. Nhưng tôi nghĩ, thưa ngài Frodo, tôi hiểu. Bây giờ thì tôi hiểu. Những người trong những câu chuyện đó có rất nhiều cơ hội quay trở lại, chỉ có điều họ đã không làm vậy. Bởi vì họ đang giữ lấy một điều gì đó.
FRODO: Chúng ta đang giữ lấy điều gì vậy Sam?
SAM: Rằng có một số điều tốt đẹp trên thế giới này, thưa ông Frodo. Và nó đáng để chiến đấu vì."
Trở lại câu chuyện giáo dục mỹ thuật. Vì sao hôm nay tôi lại nhớ đến câu nói này? Thật ra tôi đã luôn nhớ đến câu nói đó trên mọi bước tôi đi cùng với các học viên thân yêu, với Takihana, và với chính mình. Mọi người thấy những buổi học ở Takihana luôn tràn đầy niềm vui và tiếng cười, tràn đầy nhiệt huyết và tình yêu với cái đẹp, sự chan hòa với nhau và với nghệ thuật của nhau trên tình thần tất cả đều cùng muốn vươn đến cái giá trị cao nhất của mỹ thuật (Fine Art).
Và đằng sau đó là cả một nỗ lực từ mồ hôi và tâm sức của rất nhiều người, mà tôi thực sự cần phải cảm ơn họ, đặc biệt là người đã luôn sẵn sàng hỗ trợ tôi về những mặt tôi còn thiếu sót là chị tôi, và sau đó là các bạn giảng viên, trợ giảng của Takihana. Nhìn các bạn lao động cật lực trước, trong và cả sau buổi dạy, tôi luôn thấy mình cần phải có trách nhiệm để đền đáp xứng đáng cho những lựa chọn của các bạn. Tiền không phải là vấn đề đã giữ chân các bạn ở lại với Takihana, vì chúng tôi đã có những bạn rất giỏi, với bằng cấp cao hơn cả người sáng lập về học vấn, nhưng các bạn vẫn ở lại và gắn bó với Takihana và với các học viên thân yêu lâu nhất có thể, và dù có buộc phải ra đi trên hành trình mới thì vẫn luôn sẵn sàng hỗ trợ khi Taki cần. Các bạn cũng có thể đến dạy ở những nơi khác, khi mà giáo trình đơn giản hơn nhiều, chỉ việc tìm trên mạng tranh mẫu và chép, một buổi là xong, có tranh đẹp mang về. Các bạn sẽ rảnh hơn rất nhiều so với một buổi dạy ở Taki. Nhưng điều đó không làm các bạn để Taki là lựa chọn số 2. Tôi đã thật may mắn khi được đồng hành cùng những giảng viên vô cùng đáng yêu ấy.
Các em khi mới bỡ ngỡ vào dạy ở Taki hay có một câu hỏi: “Mọi người nói rằng đi dạy vẽ cho trẻ em sẽ bị hỏng tay (vẽ), có phải vậy không ạ?”. Điều này đúng hay sai? Đương nhiên nó phải có cái đúng thì mới thành một giai thoại tương truyền trong giới học mỹ thuật. Nhưng ở Takihana, và tôi đã gây dựng Takihana cho đến ngày hôm nay cũng là để không ai trong số chúng tôi và học viên của chúng tôi học vẽ mà phải lo sợ sẽ bị hỏng tay. Thật là hài hước phải không các bạn, nhưng mà nó là thật, một hiện trạng rất thật khi mà người trong nghề lại sợ hỏng tay khi đi dạy vẽ, và người không chuyên thì không biết thế nào là đẹp một cách bài bản nên lại càng không biết mình bị “hỏng tay”. Chẳng phải giáo viên phải dạy cái tốt nhất mà họ có, cái tốt nhất mà họ tin, cho học viên của mình đó sao? Nhưng cái đẹp là cái không mấy người ngoài cuộc hiểu được, và họ sẽ thấy cái nào dễ hiểu thì họ tin là đẹp. Mà còn gì dễ hơn khi đi sao chép, khi nói chuyện bằng sản phẩm thay vì bằng sự phát triển năng lực thực sự của học viên? Vì sản phẩm thấy ngay, dễ thấy, còn năng lực thì cần một thời gian dài rèn luyện, nên chưa thể thấy được ngay. Và chưa thấy ngay thì chưa tin. Đó là điều dễ hiểu và hiển nhiên. Cuộc đời nói chuyện bằng kết quả. Và cuộc sống đôi khi quá nhanh để người ra có thể đủ kiên nhẫn đến ngày thấy kết quả.
Hôm nay tôi có đưa ra lời khuyên cho một bạn trợ giảng của tôi khi hè đến em có thể nhận thêm những lớp ở nơi khác:
“Khi em dạy (dù ở bất kỳ đâu), em cứ chỉ cho học viên những cái mà em tin là tốt cho họ, trong khả năng của em. Điều đó trước nhất không phải cho người khác, mà là cho chính em: để em ngày càng tốt hơn, chứ không bị mai một đi.
Và em đã trả lời: “Đặt chân vào Taki là quyết định đúng đắn nhất khi em mới bước chân vào ngành. Taki đúng là cái nôi của em.”
Tôi thật mừng, và tôi mong em sẽ tìm thấy những câu trả lời, những cách thức tốt nhất để đạt đến điều em muốn. Tôi cũng không dám mong các em sẽ không rời bỏ Takihana, nhưng tôi sẽ luôn cố gắng hết sức để Takihana đủ mạnh để là tiền bối vững chắc để các em an tâm vững bước cùng.
Hãy cùng nhau chia sẻ những giá trị thật. Vì dù khó khăn hơn và yêu cầu nhiều quyết tâm hơn để đạt và giữ được, giá trị thực sẽ luôn ở lại và mang lại kết quả thực.
Chúc các bạn thật nhiều sức khỏe để tạo ra được thật nhiều giá trị thực cho bản thân, những người thân yêu và bạn bè.
Trần Kim Hạnh,
Họa sỹ sáng lập Takihana.
Comentarios